Chi tiết tin - Phường 1 - Đông Hà

Luật hòa giải ở cơ sở

Post date: 16/12/2024

Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc phát huy tác dụng của hoạt động hoà giải ở cơ sở càng trở nên có ý nghĩa đối với đất nước.Thông thường, những mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống, lúc đầu đơn giản, nhưng do không được quan tâm giải quyết kịp thời cho nên đã nhanh chóng trở thành phức tạp, thậm chí là nguyên nhân xuất hiện những điểm nóng về khiếu kiện. Nhằm nâng cao vị trí vai trò của hoạt động hoà giải ở cơ sở đối với xã hội, ngày 20 tháng 6 năm 2013, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật hoà giải ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Ngày 27 tháng 02 năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của hoà giải ở cơ sở.

Theo quy định tại Điều 2 Luật hòa giải cơ sở năm 2013 thì Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 02 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

+ Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

+ Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

+ Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

+ Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;

+ Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây: Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

+ Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;

+ Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

Trong trường hợp xác định vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải theo quy định tại Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở và Khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, thì hòa giải viên giải thích cho các bên về lý do không hòa giải và hướng dẫn các bên làm thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Theo quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Trình tự hòa giải được thực hiện như sau:

* Trước khi hoà giải:

Lựa chọn người tiến hành hoà giải; Lựa chọn thời gian, địa điểm tiến hành hoà giải: được diễn ra nhiều lần trong suốt quá trình thực hiện hoà giải, phù hợp với nguyện vọng của các bên tranh chấp;

* Trong khi hoà giải:

Hòa giải viên cần thực hiện các nguyên tắc, phương pháp hoà giải, chú ý đề cao điều hay, lẽ phải; Tìm hiểu tâm lý, tính cách của từng đối tượng, tính chất vụ việc để áp dụng phương pháp hoà giải phù hợp, tránh vội vàng, nôn nóng hoặc làm tổn hại đến danh dự, tự ái cá nhân của các bên;

Gặp gỡ từng bên hoặc các bên, tạo ra không khí thân mật, cởi mở và chân thành trên cơ sở “tình làng nghĩa xóm”, không áp đặt ý chí của Hoà giải viên đối với các bên.

Tìm hiểu rõ bản chất vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, lắng nghe ý kiến của các bên và người có liên quan, Hoà giải viên phân tích, chỉ ra những hành vi phù hợp pháp luật, hành vi sai trái của mỗi bên và chỉ ra những hậu quả pháp lý mà các bên có thể phải chịu nếu tiếp tục tranh chấp và có những hành vi sai trái;

Hoà giải viên cần kiên trì giải thích, thuyết phục, cảm hoá các bên tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp, dẹp bỏ mâu thuẫn và hướng dẫn họ ứng xử phù hợp với pháp luật;

Trong quá trình hoà giải, các Hoà giải viên phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc hoà giải hoặc có ảnh hưởng đến các bên tranh chấp;

Hoà giải viên chỉ hoà giải bằng miệng, dùng lời lẽ thuyết phục các bên, giúp họ đạt được thoả thuận, không đòi hỏi các bên làm đơn kiện, không lập biên bản. Trường hợp được các bên đồng ý thì lập biên bản.

* Sau khi hoà giải:

Hòa giải viên cần tiếp tục quan tâm động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện và thuyết phục các bên tự nguyện thực hiện thỏa thuận, trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, xoá bỏ mặc cảm và bỏ qua những thiếu sót của nhau;

Trường hợp hòa giải không thành thì Hoà giải viên giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp xử sự phù hợp với pháp luật, làm thủ tục cần thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

Hoà giải viên phải ghi chép nội dung tranh chấp và nội dung hoà giải vào sổ công tác về hoà giải để phục vụ cho việc thống kê báo cáo, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm về thành công hay thất bại.

More

THĂM DÒ Ý KIẾN




18 người đã tham gia bình chọn